“Của để dành” cho con, nên mua bảo hiểm hay gửi tiết kiệm? - Cộng đồng Bảo hiểm Nhân thọ

Tin mới

Post Top Ad

Responsive Ads Here

Post Top Ad

Responsive Ads Here

“Của để dành” cho con, nên mua bảo hiểm hay gửi tiết kiệm?

Để tích lũy “của để dành” cho con, em thì muốn mua bảo hiểm nhân thọ nhưng chồng em lại không chịu vì anh nói bảo hiểm nhiều rủi ro còn gửi tiết kiệm thì chắc chắn hơn. Vậy là mỗi người một ý, không biết hình thức nào ưu việt hơn?

“Của để dành” cho con, nên mua bảo hiểm hay gửi tiết kiệm?
 Em băn khoăn không biết nên chọn mua bảo hiểm hay gửi tiết kiệm ngân hàng cho con
 Vợ chồng em đang sống ở TP.HCM, thu nhập tương đối ổn định. Chúng em mới có con gái đầu lòng 18 tháng tuổi nên đang phân vân không biết chuẩn bị tài chính thế nào cho đến khi bé được 18 tuổi.
 Vợ chồng em còn trẻ nên tự để dành khó quá, cứ dư một tí lại có việc cấu vào thế là hết veo nên bàn nhau, trích lương mỗi tháng 1 – 2 triệu đồng để gửi tiết kiệm làm “của để dành” cho con. Hiện nay, có khá nhiều công ty bảo hiểm mời chào mua gói bảo hiểm nhân thọ cho con nhưng có giá trị bảo vệ cho cả gia đình. 
 Họ tư vấn rằng, mua gói bảo hiểm này gia đình vừa được bảo vệ khi có rủi ro tai nạn, bệnh tật… lại có tiền tiết kiệm sau này. Em nghe họ nói cũng thấy xuôi tai nhưng chồng em lại không chịu. Anh nói, mua bảo hiểm sẽ gặp rủi ro nếu đang đóng ngừng giữa chừng, lấy lại tiền cũng rất khó khăn.
 Như vậy, hình thức này không chắc chắn bằng gửi tiền tiết kiệm, lãi suất gửi tiết kiệm cũng cao hơn nhiều. Vậy là hai vợ chồng mỗi người mỗi ý. Mong chuyên gia tư vấn giúp vợ chồng em nên lựa chọn hình thức nào thì ưu việt hơn? Nên gửi tiền tiết kiệm hay đóng bảo hiểm cho con để vừa hiệu quả, an toàn và có lợi nhất. Xin cám ơn chuyên gia. 
Nguyễn Thu Hạnh (TP.HCM)
_________________________________________________
Chào bạn Hạnh!

Xu hướng tích lũy “của để dành” cho con đang được nhiều gia đình trẻ như bạn Hạnh lưu tâm. Một tháng chỉ tiết kiệm vài trăm ngàn đồng đến 1 – 2 triệu, số tiền nghe có vẻ ít nhưng cứ tích lũy nhiều năm sẽ thành một khoản lớn. 

Đây là một hướng đầu tư đúng đắn và là cách chuẩn bị tốt nhất cho tương lai của con, cũng như cho kinh tế của cha mẹ khi con bước vào bậc đại học. Tuy nhiên, gửi tiền vào đâu để an toàn và hiệu quả nhất lại khiến các thành viên trong gia đình nảy sinh tranh cãi và bất đồng. 
 
 Tích lũy “của để dành” là cách chuẩn bị tốt nhất cho tương lai của con
 
Bạn Hạnh đang phân vân giữa hai hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ. Trên thực tế, so sánh về mục đích sử dụng và lãi suất của hai khoản này là hoàn toàn khác nhau. Sau đây là bảng so sánh giữa hai hình thức để bạn Hạnh tham khảo: 
 
Nội dung
Gửi tiết kiệm ngân hàng
Gửi bảo hiểm nhân thọ
Tiền gửi
Giả sử bạn Hạnh tiết kiệm 1 triệu đồng/tháng tương đương 12 triệu đồng/năm
Lãi suất/năm

Khoảng 6-7% (tùy thời hạn gửi)                                                                            
Khoảng 3-5% (tùy theo năm hợp đồng)
Tính bảo vệ
Chỉ bảo vệ khoản tiền gửi 12 triệu. Không bảo vệ tính mạng và sức khỏe
Bảo vệ tính mạng của người tham gia khi gặp tai nạn, rủi ro với khoản thanh toán lên tới hàng trăm triệu
Tính linh hoạt
Có thể chủ động gửi thêm tiền vào sổ tiết kiệm bất cứ lúc nào và linh động khi rút ra
Bắt buộc phải đóng một số tiền qui đinh theo theo quí/năm. Không thể rút ra trước thời hạn hợp đồng (5 – 20 năm)
Mục đích
Đầu tư, sinh lợi
Bảo vệ, phòng rủi ro
 
Dựa vào bảng trên, bạn Hạnh và chồng nên cân nhắc mục đích của việc tiết kiệm tiền cho con. Không nên so sánh giữa gửi tiết kiệm ngân hàng và mua bảo hiểm cái nào lãi hơn. Vì mục đích của việc mua bảo hiểm là bảo vệ chứ không phải đầu tư, sinh lợi. 
 
Còn mục đích của gửi tiết kiệm là đầu tư, sinh lợi chứ không phải phòng rủi ro. Nếu ai đó mời bạn Hạnh mua bảo hiểm để “đầu tư cho tương lai” thì bạn phải hết sức thận trọng trước khi đưa ra quyết định. Bởi đó chỉ là những lời quảng cáo vì mục đích lợi nhuận của người bán bảo hiểm. 
 
Theo tôi, giải pháp tối ưu nhất là “không cho trứng vào cùng một giỏ”. Bạn Hạnh nên chia “của để dành” cho con thành hai khoản: mua bảo hiểm cho vợ chồng bạn với thời hạn ngắn 5 – 10 năm và gửi tiết kiệm dài hạn cho con (hoặc gửi tiết kiệm ngắn hạn 1 – 2 năm, khi dành dụm đủ rồi mua vàng để tránh trượt giá đồng tiền và gửi vàng vào ngân hàng).
 
Tại sao lại mua bảo hiểm cho vợ chồng bạn chứ không phải mua cho con? Đây là một sai lầm thường gặp của những người tư vấn bảo hiểm và người mua bảo hiểm. Thực tế, mua bảo hiểm nhân thọ là để bù đắp phần tài chính cho những thành viên còn lại trong gia đình, trong trường hợp có rủi ro xảy đến với người trụ cột về tài chính.
 
  Giải pháp tối ưu nhất là “không cho trứng vào cùng một giỏ” vì khi rủi ro có khi bạn sẽ mất tất cả
 
Do đó, bạn Hạnh nên mua bảo hiểm nhân thọ cho hai vợ chồng bạn, để nếu có gặp rủi ro thì người được bảo vệ, thừa hưởng trong trường hợp này chính là con cái. Tuy nhiên, bạn Hạnh không nên đầu tư quá nhiều tiền vào gói bảo hiểm nhân thọ. Chỉ nên tham gia khi kinh tế gia đình ổn định và có khoản dư dật đều đặn. 
Vì tính chất bảo hiểm nhân thọ là phải đóng phí đều đặn hàng năm, nên chỉ tham gia mức 5 – 10% thu nhập thường xuyên là hợp lý nhất, không nên đóng quá cao, dễ bị hụt hơi. Và cho dù chọn loại hình bảo hiểm nào, bạn Hạnh cũng cần đọc kỹ hợp đồng, nắm rõ những qui định về trường hợp nào được bồi thường khi có rủi ro. 
 
Chẳng hạn, bảo hiểm có những gói “Bảo hiểm tai nạn”, “Bảo hiểm tàn tật”, sự khác nhau giữa hai gói này là “Bảo hiểm tàn tật” chỉ bồi thường khi mất một phần cơ thể còn gãy tay, gãy chân thì không được bồi thường còn gói “Bảo hiểm tai nạn” thì lại bao hàm tất cả.
 
 Hiện nay có rất nhiều gói bảo hiểm cho bạn lựa chọn
 
Bạn Hạnh cũng nên chú ý tới điều kiện và “giá trị hoàn lại” nếu muốn kết thúc hợp đồng trước hạn. Vì nhiều trường hợp, người tham gia có tài chính eo hẹp hoặc thu nhập không ổn định xin ngưng hợp đồng trước hạn. Khi đó quyền lợi không có mà số tiền đã đóng cũng gần như mất trắng. 
 
Bởi theo điều 35, Luật kinh doanh Bảo hiểm quy định: “Nếu bên mua bảo hiểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày tham gia hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng”. 
 
Do vậy, “giá trị hoàn lại” chỉ được hình thành sau khi bạn Hạnh đã nộp đủ 2 năm phí bảo hiểm. Sau đó “giá trị hoàn lại” sẽ tăng dần qua các năm, nhưng thường nhỏ hơn so với phí đã đóng vào. 
 
Nếu ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bạn Hạnh sẽ thấy đuợc điều này trong "Phiếu minh họa quyền lợi bảo hiểm" đính kèm theo bộ hợp đồng. Nội dung phiếu có ghi rõ độ tuổi, nghề nghiệp, số tiền được bảo hiểm, các quyền lợi với số phí hàng năm và khoản "Giá trị hoàn lại" được minh họa cụ thể để bạn Hạnh tham khảo và hoạch định kế hoạch tài chính cho gia đình.
 
Bên cạnh đó, khi nộp phí bảo hiểm qua nhân viên bảo hiểm, để đảm bảo tiền được nộp đến công ty đúng thời hạn, bạn Hạnh cần lưu ý yêu cầu nhân viên thu phí phát hành phiếu thu. Để nhỡ có tranh chấp liên quan về các khoản phí bảo hiểm đã nộp, phiếu thu phí sẽ là chứng từ hợp lệ cho việc bạn đã nộp phí và công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm giải quyết cho quyền lợi của bạn khi có khiếu nại. 
 
Tham gia gói bảo hiểm nhân thọ ngắn hạn, khi hết hợp đồng, bạn Hạnh có thể rút tiền về gửi ngân hàng cho con, rồi lại tiếp tục tham gia gói bảo hiểm ngắn hạn mới. 
 
 
Bạn Hạnh đến gửi tiết kiệm cho con, nên đưa con đi theo để giúp bé được trải nghiệm kỹ năng quản lý tài chính và giúp bé biết trân trọng đồng tiền 
 
Với khoản tiết kiệm gửi ngân hàng dài hạn, bạn Hạnh có thể tham khảo các chương trình gửi tiết kiệm tích lũy cho con như: Super Kid của Techcombank; Hoa trạng nguyên của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt; Tiết kiệm Phù Đổng của Sacombank; Tiết kiệm tích lũy cho con của Vietin Bank; Chắp cánh cho con yêu của Đông Á Bank; Lớn lên cùng yêu thương của BIDV; Tiết kiệm cho con yêu của Eximbank... 
 
Tuy tên gọi của các ngân hàng khác nhau nhưng các sản phẩm trên đều đồng nhất về nội dung “Gửi tiền tiết kiệm dành cho trẻ sơ sinh đến 15 – 18 tuổi”. 
 
Ưu điểm của gói sản phẩm này là bạn Hạnh có thể gửi thêm tiền vào sổ tiết kiệm bất cứ lúc nào, không nhất thiết phải theo kỳ hạn, miễn phí gửi tiền, lãi suất tính theo thời điểm gửi tiền, rút tiền linh động… 
 
Như vậy, mọi khoản tiền lì xì, mừng tuổi Tết, tiền mừng sinh nhật, tiền thưởng, tiền heo đất của con, bạn Hạnh đều có thể linh động gửi thêm khi muốn, chứ không bắt buộc phải đóng tiền theo tháng. Hình thức tiết kiệm này giúp bạn Hạnh không cảm thấy áp lực và đặc biệt, với dịch vụ này, bất kỳ người thân nào của bé cũng có thể gửi tiền tặng bé. 
 
Một quyển sổ tiết kiệm mang tên con sẽ là món quà ý nghĩa và giá trị hơn rất nhiều lần nếu như trẻ cũng học được cách trân trọng, gìn giữ và nâng niu những đồng tiền mà cha mẹ đã vất vả tiết kiệm lại cho bé. Đó là tiền đề cơ bản và quan trọng để khi lớn lên các bé biết cách sử dụng tiền cũng như chi tiêu hợp lý.
 
Do đó, khi con được 3 tuổi, bạn Hạnh đến gửi tiết kiệm cho con, nên đưa con đi theo để giúp bé được trải nghiệm kỹ năng quản lý tài chính, vừa hình thành cho con ý thức chăm sóc, vun vén cho tài khoản của mình sinh sôi, nảy nở.
 
 Chuyên gia tư vấn Hải Hà
(Theo Báo Người Giữ Lửa)

Post Top Ad

Responsive Ads Here